Động lực là sức đẩy, khuyến khích hành động hay cảm xúc. Tạo động cơ nghĩa là khuyến khích và truyền cảm hứng. Động cơ cũng chính là “mồi lửa” cho hành động. Nó có thể tạo sức mạnh, niềm tin, thuyết phục và thúc đẩy ta bắt tay vào hành động để đổi cuộc đời của bạn.
Động lực không phải là cảm hứng
Có rất nhiều người đặt câu hỏi: “Có thể tạo động lực thúc đẩy cho người khác được không?”.
Câu trả lời là: “Không”!
Động lực phải là do mỗi người tìm ra để thúc đẩy chính mình. Điều người khác có thể làm được cho bạn là tạo cảm hứng cho bạn tự thúc đẩy bản thân. Chúng ta có thể xây dựng môi trường tạo động lực cho những người xung quanh mình.
Cảm hứng là suy nghĩ; còn động lực là hành động. Bạn phải biết được nhân tố hình thành động cơ quan trọng nhất của mình là gì? Tiền bạc? Được xã hội công nhận? Cải thiện chất lượng cuộc sống? Được người thân đón nhận?...vv. Tất cả những điều này đều có thể là sức mạnh thúc đẩy con người.
Hai kiểu động lực: bên trong và bên ngoài
Động lực bên ngoài
Được xuất phát từ ngoại cảnh. Ví dụ như tiền bạc, được xã hội công nhận, danh tiếng… là nhóm động lực khích lệ; hoặc do sợ hãi (chẳng hạn: sợ bố mẹ thất vọng, sợ bị cấp trên sa thải).
Động lực mang tính khích lệ có tác động lớn nhất ở chỗ hiệu quả của nó rất tốt, miễn là sự khích lệ vẫn còn giá trị mạnh mẽ.
Động lực bên trong
Được xuất phát từ nội tâm, từ những nhân tố như lòng tự hào, cảm giác thành công, trách nhiệm và niềm tin. Động lực bên trong là cảm giác thầm hài lòng không phải vì thành công hay chiến thắng, mà vì sự mãn nguyện do đã tới được một tiêu chuẩn đặt ra. Đó là cảm giác đã làm công việc trọn vẹn chứ không phải đơn thuần đạt mục đích nào đó. Khi bạn đạt mục tiêu tầm thường thì sẽ không đem lại cho bạn cảm xúc hài lòng như vậy. Động lực bên trong có ảnh hưởng vững bền vì xuất phát từ nội tâm và biến thành khả năng tự thân vận động.
Hai nhân tổ thúc đẩy động cơ nội tâm quan trọng nhất chính là tinh thần trách nhiệm và được mọi người công nhận.
Được công nhận nghĩa là được trân trọng, đối xử một cách tôn trọng; và bản thân mỗi người cảm thấy gắn bó với mọi người, gắn bó với cộng đồng mình đang sống.
Tinh thần trách nhiệm cũng cho con người cảm giác gắn bó với tập thể và làm chủ. Khi có tinh thần trách nhiệm, bạn sẽ thấy được vai trò của mình trong bối cảnh lớn hơn.
Động lực bên trong có sức ảnh hưởng lan truyền rất lớn. Vì nó hàm chứa thái độ sống của mỗi người. Mà thái độ đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên hành vi như mong muốn.
Các nhân tố tạo động lực
Tạo động lực cho chính mình
Điều cần thiết mỗi người phải có chính là động lực tự thân – động lực bên trong. Tức là mỗi người phải làm việc vì chính mình chứ không phải vì người khác. Mỗi người chỉ làm việc tốt nhất khi có lý do riêng chứ không phải do yêu cầu của người khác. Đó mới là động lực bền vững.
Động lực lớn nhất chính là niềm tin. Mỗi người cần có niềm tin mạnh mẽ và sẵn sàng chịu trách nhiệm trước mọi hành động và thái độ của mình. Khi biết chịu trách nhiệm, mọi thứ sẽ được cải thiện: chất lượng cuộc sống, năng suất công việc, quan hệ xã hội và nỗ lực tập thể.
Một phương pháp quan trọng được rất nhiều người áp dụng để tạo động lực cho bản thân là “tự kỷ ám thị”. Đó là đưa ra những lời nói tích cực và liên tục khẳng định chúng. Chẳng hạn, bạn có thể tự nhủ: “Đó chỉ là khó khăn bước đầu mà thôi”, hay “mỗi ngày mình cảm thấy càng lúc càng tự tin hơn”.
Một số cách khuyến khích động lực ở người khác
- - Công nhận vai trò, năng lực của họ
- - Tỏ thái độ trân trọng
- - Giao cho họ những nhiệm vụ thú vị
- - Biết lắng nghe
- - Khuyến khích họ đặt ra mục tiêu phấn đấu
- - Tạo cơ hội cho họ phát triển
- - Đào tạo thêm
- - Cho họ thử thách
- - Giúp đỡ, những không làm giùm những việc họ nên làm
Động lực như một ngọn lửa. Nếu bạn không tiếp tục cung cấp nhiên liệu, nó sẽ tàn lụi. Nhiên liệu ấy chính là niềm tin vào những giá trị nội tại của bản thân. Khi được niềm tin dẫn dắt, động lực sẽ có giá trị tồn tại suốt đời. Ngược lại, nếu bạn tìm kiếm động lực từ bên ngoài, có thể lúc nào đó bạn sẽ bị mất đi khi nó không như những gì bạn mong muốn.
dễ dàng học các kỹ năng căn bản tại kynangcanban.blogspot.com