Là lãnh đạo, sếp không thể gặp từng nhân viên để hướng dẫn, chỉ dạy nên làm gì, làm như thế nào. Trong thực tế, sếp thường đưa ra những lời nhắc nhở tinh tế mà đơn giản. Bạn cần chú ý để hiểu và làm theo ý sếp.
Dưới đây là một số cách “giải mã” lời sếp:

Không giao việc vẫn làm

Tình huống: Bạn đang sắp xếp đồ đạc để về sớm thì sếp xuất hiện, giao việc cho một đồng nghiệp vào giờ chót, bắt phải hoàn thành ngay.

Bạn phải làm gì? Hãy ở lại giúp đồng nghiệp hoàn thành nhiệm vụ. Ý thức trách nhiệm, tinh thần làm việc nhóm và sẵn sàng làm dù sếp không yêu cầu của bạn chắc chắn sẽ được đánh giá cao. Hơn nữa, bạn còn chiếm được cảm tình của người đồng nghiệp nữa.

Nhanh ý

Tình huống: Sếp vừa “giũa” cho đồng nghiệp của bạn một trận te tua vì đã phát hành một ấn bản có quá nhiều lỗi chính tả.

Bạn phải làm gì? Sếp không mắng bạn, nhưng người nhanh ý và thông minh là người biết sửa mình từ cái sai của người khác. Nhân chuyện đồng nghiệp mắc lỗi, tại sao bạn không xem lại bản thân mình?

Sếp đã mắng đồng nghiệp trước mặt bạn, tức là sếp muốn ngầm bảo rằng: “Tôi đang nhắc nhở cả anh nữa đấy. Hãy làm việc cho cẩn thận”.

Tự nhận lỗi

Tình huống: 3 giờ 30 chiều thứ Sáu, bạn bị bắt tại trận đang chơi games trên mạng sau khi đã hoàn thành mọi nhiệm vụ trong tuần. Sếp không nổi cáu hay tỏ ra khó chịu, chỉ cười nhẹ và hỏi bạn đánh có thắng không.

Bạn phải làm gì? Đừng thấy sếp không nói gì mà tưởng hay, lại “cứ thế phát huy”. Đừng nghĩ sếp hỏi han chuyện thắng thua mà nghĩ sếp cũng là “kẻ đồng lõa”, thích chơi games trong giờ làm việc.

Khôn ngoan ra thì đừng bao giờ tái phạm lỗi này lần nữa, hoặc ít ra là đừng bao giờ để sếp bắt gặp lần thứ hai. Vì lần sau, lời lẽ và thái độ của sếp sẽ không “êm đẹp” như lần đầu đâu.


Suy nghĩ sáng tạo

Tình huống: Bạn được yêu cầu tham gia buổi thảo luận để tìm ra cách thức quảng cáo sản phẩm mới nhất của công ty sao cho thật “bắt mắt”.

Bạn phải làm gì? Những buổi họp như thế này là cơ hội tuyệt vời để nhìn nhận những vấn đề cũ từ một góc nhìn mới bằng trò chơi từ ngữ hoặc đơn giản là lắng nghe. Hãy tham gia với tinh thần mở và hỗ trợ ý kiến của người khác một cách khuyến khích, không chỉ trích, phê bình. Sếp chị định bạn tham gia tức là sếp mong mỏi sẽ nhận được ý kiến nào đó từ bạn.

Cải thiện chứ không chê bai

Tình huống: Bạn và đồng nghiệp đang tụ tập chỉ trích chiến dịch quảng cáo mới của công ty thì sếp xuất hiện.

Bạn phải làm gì? Lần sau, thay vì ngồi một chỗ chễ giễu, chê bai, hãy suy nghĩ để đưa ra giải pháp cải thiện tình hình và đưa ra những chiến lược thay thế. Sau đó, thảo luận những chiến lược tiềm năng với đồng nghiệp và cân nhắc những điểm được và chưa được trong ý kiến của bạn. Khi đã “sàng lọc” kỹ càng kế hoạch, hãy viết nó ra giấy và trình ban giám đốc. Có thể họ không hoàn toàn đồng ý với giải pháp của bạn, nhưng chắc chắn họ sẽ đánh giá cao sự tận tụy của bạn.

Nhiệm vụ khó khăn

Tình huống: Sếp nhắc bạn về sự quan trọng của một trong những nhiệm vụ của bạn.

Bạn phải làm gì? Nghiêm túc lưu ý mối quan tâm của sếp và cùng sếp bàn bạc về đường lối cùng các kỳ vọng. Khi bạn chắc chắn sẽ có những gì bạn cần, hãy sắp xếp lịch trình ưu tiên để có được sự tập trung đúng đắn với nhiệm vụ.

dễ dàng học các kỹ năng căn bản tại kynangcanban.blogspot.com