Thư tìm việc (Cover Letter) chính là lời chào đầu tiên của bạn đối với Nhà tuyển dụng. Bên cạnh thể hiện khả năng viết thư của bạn, thư tìm việc còn giúp bạn cho Nhà tuyển dụng biết tại sao bạn quan tâm đến vị trí ứng tuyển và bạn có thể làm gì để đóng góp cho công ty họ.
Vì vậy, đừng để hồ sơ của bạn bị loại vì một lá thư tìm việc thiếu chăm chút. Hãy kiểm tra để chắc chắn thư tìm việc của bạn sạch những lỗi sau đây:
Lỗi 1: Phút đầu tiên mờ nhạt
Có rất nhiều ứng viên lúng túng trong việc “mở đầu câu chuyện” và chọn giải pháp an toàn là lấy nội dung in sẵn trong một bức thư mẫu. Điều này thường dẫn đến một thư tìm việc với mở đầu nhàm chán và hình ảnh của bạn mờ nhạt trước nhà tuyển dụng.
Bạn hãy xem hai mở đầu sau:
1. Tôi muốn ứng tuyển vào vị trí Đại diện bán hàng
2. Công ty cần một Đại diện bán hàng xuất sắc và với 3 năm luôn đạt doanh số cao nhất, mang lại hàng trăm ngàn đô la, tôi tin rằng mình là ứng cử viên sáng giá cho vị trí trên.
Câu mở đầu nào ấn tượng với bạn hơn? Rõ ràng là câu thứ hai.
Lỗi 2: Thiếu chọn lọc những thành tích nổi bật
Thư tìm việc không phải là một bản tự truyện. Vì vậy bạn cần tránh kể tất cả về quá trình học tập và làm việc. Có thể ví thư tìm việc như một bức thư giới thiệu sản phẩm và sản phẩm ở đây chính là bạn. Hãy thể hiện những thành tích thật sự nổi bật khiến nhà tuyển dụng phải nhấc điện thoại gọi bạn mời phỏng vấn ngay sau khi đọc xong thư này. Để “giới thiệu sản phẩm” thành công, bạn cần chọn lọc và ghi cụ thể những thành tích nổi bật hay những điểm mạnh liên quan trực tiếp đến công việc bạn đang ứng tuyển.
Lỗi 3: Ru ngủ nhà tuyển dụng
Nếu thư tìm việc của bạn dài hơn 1 trang A4, bạn đang ru ngủ nhà tuyển dụng.
Một bức thư cô đọng súc tích, tập trung vào những điểm mạnh của bạn phù hợp yêu cầu của vị trí tuyển dụng thể hiện rằng bạn tôn trọng thời gian nhà tuyển dụng dành cho bạn.
Lỗi 4: Thiếu vị trí ứng tuyển
Khi nhà tuyển dụng đọc thư tìm việc của bạn, họ cũng có thể phải kiểm tra hàng trăm thư tìm việc cho hàng loạt vị trí tuyển dụng khác nhau. Vì vậy, bạn cần ghi rõ vị trí bạn ứng tuyển trong thư tìm việc để tránh mất thời gian cho nhà tuyển dụng.
Lỗi 5: Thư tìm việc một-cho-tất-cả
Nếu bạn đang ứng tuyển nhiều vị trí, bạn cần thay đổi nội dung thư tìm việc sao cho phù hợp với tính chất và yêu cầu từng công việc. Đặc biệt là những phần cơ bản như câu mở đầu, tên công ty, vị trí ứng tuyển và người liên lạc.
Lỗi 6: Thiếu sự chủ động
Hãy thể hiện sự quan tâm và hào hứng đối với vị trí tuyển dụng bằng cách đề nghị liên lạc lại với nhà tuyển dụng. Thay vì yêu cầu nhà tuyển dụng gọi lại, bạn có thể chủ động hơn với: “Tôi sẽ liên lạc với anh/chị trong vài ngày tới để trả lời những thắc mắc liên quan nếu có. Trong thời gian này, anh/chị có thể liên lạc với tôi qua số điện thoại 09X XXXX XXX.”
Lỗi 7: Quên nói lời cảm ơn
Nhà tuyển dụng đã quan tâm và dành thời gian đọc thư của bạn vì vậy hãy thể hiện sự cảm kích với họ bằng một lời cảm ơn chân thành.
dễ dàng học các kỹ năng căn bản tại kynangcanban.blogspot.com